Featured Post

GALLO COFFEE - 100% CÀ PHÊ RANG XAY NGUYÊN CHẤT

GALLO COFFEE  100% Cà phê Nguyên Chất - Hương Vị Tự Nhiên. 100% Pure Coffee - Natural Coffee Taste and Aroma.  Gallo Coffee hân hạnh giớ...

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

BẠC XỈU LÀ GÌ? 4 CÁCH PHA BẠC XỈU NGON VÀ ĐƠN GIẢN

 

Bạc xỉu - món đồ uống đặc trưng ở Sài Gòn. “Bạc xỉu” là gọi tắt của cụm từ “bạc tẩy xỉu phé” (bạc - màu trắng, tẩy - ly không, xỉu - một ít, phé - cà phê), tiếng của người Tàu sống ở Sài Gòn. Hiểu một cách đơn giản, bạc xỉu chính là sữa nóng thêm chút cà phê.


Khi pha sữa đặc với nước sôi, cốc sữa sẽ có vị hơi béo quá và có mùi khó uống. Để át đi mùi của sữa đặc, người Hoa đã cho thêm một chút cà phê vào cốc sữa. Về sau, những người khách Việt quen với hương vị của món sữa nóng thêm chút cà phê và gọi nó là bạc xỉu.


Bạc xỉu là ly sữa vị cà phê chứ không phải là cà phê sữa.


Dưới đây là các cách pha bạc xỉu thơm ngon, mời các bạn tham khảo:

1. Bạc xỉu đá

Nguyên liệu

·         Cà phê: 30g

·         Sữa tươi: 100ml

·         Sữa đặc: 20ml

·         Đá bào

Dụng cụ

·         Ly, chén, thìa

·         Phin pha cà phê

·         Bình shake

Cách pha bạc xỉu lạnh

Bước 1: Cho cà phê vào trong phin, cho 10ml nước sôi vào và ủ trong 20 giây. Sau đó cho tiếp 100ml nước sôi vào ủ đến khi hết nước.

Bước 2: Cho phần cà phê vừa pha vào bình shake lắc nhẹ để tạo bọt.

Bước 3: Cho sữa đặc, sữa tươi không đường vào ly, sau đó đổ cà phê đã tạo bọt lên trên.

Bước 4: Cho đá bào vào ly bạc xỉu và thưởng thức.



2. Bạc xỉu nóng

Nguyên liệu

·         Cà phê: 30g

·         Sữa bò nguyên chất: 100ml

·         Sữa đặc: 20ml

Cách pha bạc xỉu nóng

Bước 1: Pha cà phê bằng phin với công thức như ở bước 1 của cách pha bạc xỉu đá.

Bước 2: Khi cà phê đã pha vẫn còn nóng, bạn cho vào bình shake và lắc nhẹ để tạo bọt.

Bước 3: Cho sữa tươi cùng sữa đặc và nồi, đun lửa nhỏ và liên tục khuấy đều đến khi sữa sôi lăn tăn là được.

Bước 4: Đổ hỗn hợp sữa ra cốc, sau đó đổ cà phê đã được tạo bọt cà phê lên trên và thưởng thức ngay khi còn nóng.




3. Bạc xỉu đá 3 tầng

Nguyên liệu

·         Cà phê: 30g

·         Sữa tươi: 60ml

·         Kem sữa tươi: 6ml

·         Sữa đặc: 15ml

·         Đá bào

Cách pha bạc xỉu đá 3 tầng

Bước 1: Pha cà phê bằng phin, tương tự như cách pha đã hướng dẫn ở trên.

Bước 2: Cho cà phê và 1 vài viên đá nhỏ vào bình shake lắc để tạo bọt cà phê.

Bước 3: Cho sữa tươi, sữa đặc vào cốc và khuấy đều để tạo tầng thứ nhất. Tạo tầng thứ 2 bằng cách đổ cà phê đã được tạo bọt vào cốc. Cuối cùng, cho kem sữa tươi lên trên cùng là bạn đã có cốc bạc xỉu đá 3 tầng ngon tuyệt để thưởng thức rồi.




4. Bạc xỉu cốt dừa

Nguyên liệu

·         Cà phê: 30g

·         Sữa tươi: 100ml

·         Cốt dừa: 60ml

·         Sữa đặc: 20ml

·         Đá bào

Cách pha bạc xỉu cốt dừa

Bước 1: Cho bột cà phê vào phin, đổ 30ml nước sôi xấp xỉ 100 độ C vào ủ đến khi hết nước.


Bước 2: Cho cà phê đã pha vào bình shake và lắc thật đều để tạo bọt cà phê.


Bước 3: Cho nước cốt dừa, sữa đặc, sữa tươi và đá viên vào máy xay sinh tố xay để tạo thành hỗn hợp nhuyễn.


Bước 4: Cho cà phê đã tạo bọt vào cốc, rồi đổ hỗn hợp sữa dừa lên trên là bạn đã có ngay một cốc bạc xỉu cốt dừa ngon tuyệt để thưởng thức.




Nguồn: https://quantrimang.com/cuoc-song/bac-xiu-la-gi-cach-pha-bac-xiu-171749

#gallocoffee #caphe #gallo #bacxiu


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

CÁCH PHA CAFE PHIN ĐẬM ĐẶC THƠM NGON TẠI NHÀ (TRONG 5 PHÚT)

Cách Pha Cafe Phin Đậm Đặc Thơm Ngon Tại Nhà (Trong 5 Phút)

 

Nguyên liệu cần chuẩn bị trước khi pha cà phê phin truyền thống

Nguyên liệu cần chuẩn bị để pha chế cà phê phin truyền thống gồm: bột cà phê nguyên chất, phin pha cà phê, nước tinh khiết và sữa đặc (nếu pha cà phê sữa) hoặc đường (nếu pha cà phê đen).

1.  Bột cà phê:

Để tạo nên những ly cà phê thơm ngon tất nhiên nguyên liệu quan trọng nhất không thể không lựa chọn kỹ đó chính là bột cà phê. Hãy lựa chọn mua loại bột cà phê sạch, nguyên chất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.


Để biết được bột cà phê của bạn có đạt chất lượng hay không hãy quan sát các hạt bột của chúng. Nếu hạt bột to như hạt đường và thơm phức thì đây chính là loại bột chất lượng. Không nên chọn mua những loại bột cà phê quá mịn vì chúng sẽ bị bết dính vào nhau, làm cho nước cà phê rất khó hoặc không thể nào chảy xuống ly được. Hiện nay, có một bí quyết lựa chọn nguyên liệu bột cà phê để pha được những tách cà phê thơm ngon đó chính là kết hợp nhiều loại cà phê có đặc trưng khác nhau. Cái thiếu của loại này sẽ được cái có của loại cà phê khác bù đắp. Sự kết hợp như vậy sẽ làm cho ly cà phê thành phẩm thơm ngon với hương vị đắng chua xen lẫn nhưng lại có hậu vị thanh dịu.

2.  Phin cà phê, ly cà phê

Phin cà phê nên chọn loại nhôm mà trên đáy của chúng có nhiều lỗ nhỏ, phần né và đáy tách biệt nhau chứ không bị dính vào nhau. Có như vậy mới cho ra được những giọt cà phê tinh khiết. Nếu bạn là người kinh doanh, hãy chọn cho quán của mình loại phin cỡ to thay vì phin cơ trung và cỡ nhỏ, để tiết kiệm được thời gian pha chế cà phê của quán mình. Nếu bạn pha cà phê phin để thưởng thức tại nhà, hãy chọn loại phin nhỏ để pha vừa đủ cho mỗi lần uống.

Ly dùng để uống cà phê nên lựa chọn loại ly thủy tinh hoặc ly sứ. Nếu ly sứ thì nên chọn những chiếc có màu trắng. Vì màu trắng của ly sẽ đối lập với màu đen đậm của cà phê, tạo nên sự kích thích về thị giác sẽ hấp dẫn người uống hơn rất nhiều.

Nên chọn ly cà phê cao bằng thủy tinh hoặc ly cà phê thấp bằng sứ màu trắng sẽ tạo sự kích thích về thị giác khi sử dụng cà phê

3.  Nước pha cà phê

Nên lựa chọn nước tinh khiết để pha cà phê, hoặc nếu không có, hãy chọn nước đã được lọc qua bình lọc nước.

Lưu ý: nước pha cà phê phải không được có mùi, tránh làm ảnh hưởng đến hương vị của ly cà phê thành phẩm.

Tránh sử dụng nước từ vòi nước máy vì loại nước này có mùi Clo mạnh. Hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng loại nước này thì nên để lắng, lọc kỹ để hạn chế tối đa mùi clo có trong nước.

Cách pha cà phê phin đúng chuẩn, đậm đà, thơm ngon

1.  Cách pha cà phê phin đậm đặc

Muốn pha được một tách cà phê ngon không chỉ cần chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết như trên mà còn phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay của người pha chế, người trồng và nghệ nhân rang cà phê. Bởi lẽ, bí quyết để có một tách cà phê ngon nằm ở cách lựa chọn nguyên liệu và kỹ thuật pha chế.

a.   Chuẩn bị

  • Chọn cà phê như thế nào?
  • Chọn cà phê sạch, nguyên chất: từ những nhà cung cấp cà phê uy tín
  • Chọn cà phê ngon: Thế nào là cà phê ngon? Đó là loại cà phê phải được thu hoạch từ 100% trái cà phê chín, quá trình canh tác phải được hạn chế sử dụng phân bón hóa học.
  • Ngoài ra, một tách cà phê ngon còn là tách cà phê phù hợp với khẩu vị của người thưởng thức. Cà phê Robusta sẽ cho hương vị đắng đậm theo khẩu vị của người Việt. Cà phê Arabica mang đến vị thanh và hậu vị ngọt kiểu Tây. Còn nếu là người ưa thích cà phê sữa đá Sài Gòn hoặc cà phê nâu nóng Hà Nội thì hãy chọn cho mình loại cà phê có nhiều Robusta hơn trong tỷ lệ thành phần phối trộn.
  • Chọn phin cà phê như thế nào?

Hãy chọn loại phin nhôm để giữ nhiệt tốt hơn các chất liệu phin khác. Hơn nữa, các lỗ dưới đáy phin nhôm cần đều nhau để giọt cà phê chảy ra đều hơn, đảm bảo được độ đậm đặc của tách cà phê thành phẩm.

  • Cần chuẩn bị nước pha cà phê thế nào?
               Tách pha cà phê phin được bật mí ngay bên dưới (Ảnh: Internet)

Sử dụng nước sôi ở nhiệt độ 92 đến 96 độ C. Tức là nấu nước sôi và để trong khoảng 30 giây. Không sử dụng nước sôi ở nhiệt độ 100 độ C vì sẽ làm cháy cà phê.

b.   Cách pha cafe phin đậm đặc

Bước 1: Tráng phin

Cần tráng phin với nước sôi để phin nóng lên. Mục đích của việc này không chỉ để đảm bảo phin được sạch và còn làm ấm phin, giúp cà phê sau khi cho vào phin được nở đều hơn, giảm bớt sự hấp thu nhiệt khi pha cà phê.

Bước 2: Cho cà phê vào phin

  • Cho khoảng 25g cà phê vào phin, tương đương với khoảng 6 đến 8 muỗng hoặc ⅓ phin cà phê. Lắc nhẹ để san cho đều lượng cà phê trong phin.
  • Đặt nắp gài theo chiều thẳng đứng và nén nhẹ tay.

Bước 3: Ngâm cà phê/ Ủ cà phê:


Rót nước nóng vào phin (Ảnh: Internet)

Rót một lượng nước vừa đủ để làm ngập cà phê, đậy nắp lại và chờ trong khoảng 30s cho cà phê nở đều ra. Đây là khoảng thời gian cho cà phê nhả ra những tinh chất ngon nhất.

Bước 4: Thêm nước lần thứ 2

Cần thêm nước và điều chỉnh nắp gài phù hợp. Rót khoảng 55 đến 70ml nước sôi. Lưu ý là lượng nước càng nhiều thì cà phê thành phẩm sẽ càng đắng vì quá trình cà phê bị ngâm trong nước lâu hơn. Chờ khoảng 5 đến 6 phút và thưởng thức cà phê.

c.   Yêu cầu thành phẩm

Đặc điểm dễ nhận biết nhất chính là màu sắc của tách cà phê. Nếu cà phê có màu nâu cánh gián thì tức là cà phê của bạn chính là cà phê nguyên chất rồi đó.




Thưởng thức cà phê bao gồm thưởng thức cả hương lẫn vị. Vì vậy, hãy đưa cà phê lên và hít qua một lượt trước khi uống để cảm nhận được hương thơm của cà phê nhé. Tùy theo khẩu vị của từng người để cho thêm lượng đường hoặc sữa phù hợp.

2.  Cách pha cà phê phin truyền thống

Ngoài cách pha cafe phin đậm đặc như trên còn có thể pha theo nhiều kiểu khác nữa. Một trong số đó chính là cách pha truyền thống với 2 loại phin là phin cà phê lớn và phin cà phê nhỏ. Về cơ bản thì cách pha này cũng khá giống cách pha trên, tuy nhiên có thêm một số lưu ý nhất định để làm nên sự khác biệt giữa các cách pha chế này.


a.   Pha cà phê với phin nhỏ

  • Bước 1: Tráng phin cà phê qua với nước nóng
  • Bước 2: Lấy 25g cà phê cho vào phin và đặt lên cốc
  • Bước 3: Rót từ từ 30ml nước sôi lên khắp bề mặt cà phê
  • Bước 4: Sau khoảng 2 đến 3 phút, khi bột cà phê đã hấp thụ hết nước và được nở đều thì tiến hành nén nắp gài. Cho thêm khoảng 50ml nước sôi rồi đậy nắp và chờ đợi.
  • Bước 5: Sau khoảng 1 phút, khi cà phê bắt đầu nhỏ dần từng giọt xuống ly, đợi thêm đến khi cà phê nhỏ gần hết thì ấn chặt nắp gài để chiết xuất được hết tinh chất của cà phê còn lại.
  • Bước 6: Cà phê thành phẩm sẽ thu được khoảng 40 đến 45ml nước cà phê. Bạn có thể thêm sữa đặc hoặc đường, đá vào cùng và khuấy đều để thưởng thức.

b.   Pha cà phê với phin lớn

  • Bước 1: Sau khi tráng phin cà phê thì cho 100g cà phê vào và lắc đều, ấn nhé nắp gài.
  • Bước 2: Cho thêm khoảng 160ml nước sôi vào để cà phê nở đều
  • Bước 3: Sau khoảng 7 đến 10 phút thì cho thêm 250ml nước nữa rồi đậy nắp và chờ cà phê nhỏ giọt xuống ly
  • Bước 4: Khi cà phê chảy gần hết thì ấn nhẹ nắp gài để ép được hết tinh chất cà phê còn sót lại trong phin. Kết quả sẽ thu được khoảng 160 đến 200ml nước cà phê thành phẩm.

Cách pha cà phê với phin lớn cũng tương tự như pha cà phê với phin nhỏ, chỉ khác một chút về lượng nước và thời gian thực hiện sẽ khác nhau.

Cách thưởng thức cà phê phin

Sau khi pha cà phê xong, hãy tranh thủ thưởng thức ngay khi chúng còn nóng hoặc mát. Đừng nên để chúng ở ngoài không khí quá lâu hoặc nguội hẳn mới uống sẽ làm mất đi hương vị của cà phê, khiến cà phê trở nên đắng chát, rất kém hấp dẫn. Khi thưởng thức cà phê, bạn nên khuấy muỗng theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài để tận hưởng hương thơm của cà phê lan tỏa nồng nàn, đồng thời cũng giữ được độ nóng của cà phê lâu hơn.

Nguồn: https://minhtiencoffee.com/cach-pha-cafe-phin-dam-dac/

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

THỦ TỤC XUẤT KHẨU CÀ PHÊ HÒA TAN

THỦ TỤC XUẤT KHẨU CÀ PHÊ HÒA TAN

Cà phê hòa tan hay còn gọi là cà phê uống liền và bột cà phê hòa tan, là thức uống có nguồn gốc từ hạt cà phê đã rang xay và chiết xuất thành bột tan ngay trong nước. Nó được sản xuất bằng phương pháp làm khô đông lạnh hoặc sấy phun, sau đó được cho vào nước sôi trước khi sử dụng.

Việt Nam là hiện tại là nước có rất nhiều cơ sở sản xuất cà phê lớn, chính vì thế ngoài việc kinh doanh trong nước thì doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu nước ngoài. Nó đặc biệt được ưa chuộng ở các thị trường cà phê mới nổi tại Mỹ, châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, Trung Á, châu Âu, Nga và Đông Âu vì rất dễ pha, và tiết kiệm thời gian.

Vậy cách làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng này như thế nào? Có cần xin giấy phép xuất khẩu không? Quy trình xuất khẩu ra sao? Trong khuôn khổ bài viết này, Real Logistics sẽ cùng tìm hiểu và giải đáp cho bạn về Thủ tục xuất khẩu cà phê hòa tan.

1. Mã HS cà phê hòa tan

Cà phê hòa tan có mã HS tham khảo là:

- - - Cà phê hòa tan (1):
21011111    - - - - Được đóng gói với khối lượng tịnh không dưới 20kg
21011119    - - - - Loại khác



2. Hồ sơ hải quan xuất khẩu cà phê hòa tan

Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu cà phê hòa tan gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:

·         Tờ khai hải quan

·         Giấy tờ đầu vào hàng hóa (hóa đơn, bảng kê thu mua)

·         Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)

·         Hợp đồng thương mại (Sales Contract) (nếu có)

·         Bill of Lading – Vận đơn hàng hóa

·         Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List)

Và một số chứng từ có thể cần phải có theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu:

·         Certificate of Origin (Giấy chứng nhận xuất xứ) (C/O)

·         Certificate of Phytosanitary (Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật)

·         Health Certificate (Giấy chứng nhận y tế) (HC)

·         Giấy phép đăng ký kinh doanh

·         Giấy phép chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

·         Đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm cà phê hòa tan

·         Bản tự công bố sản phẩm cà phê hòa tan

·         Certificate of Free Sales (Giấy chứng nhận lưu hành tự do) (CFS)

·         Các chứng từ liên quan khác,...

3. Lưu ý khi xuất khẩu cà phê hòa tan

3.1 Chứng nhận xuất xứ (C/O) khi xuất khẩu cà phê hòa tan

Giấy chứng nhận này không phải là giấy bắt buộc trong quá trình làm thủ tục thông quan cho lô hàng. Tuy nhiên, người mua hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp làm giấy chứng nhận xuất xứ đối với một số thị trường có kí hiệp định thương mại giữa nước nhập khẩu và Việt Nam. Vì vậy, nhà nhập khẩu có thể sử dụng chứng nhận xuất xứ để có mức thuế nhập khẩu ưu đãi. 

Ví dụ nếu xuất khẩu đi Thị trường các nước Asean là mẫu D (certificate of Origin Form D), thị trường Trung Quốc dùng form E, thị trường Mỹ dùng form B,...

- Bộ hồ sơ để xin cấp C/O khi xuất khẩu cà phê hòa tan gồm:

·         Bill Of Lading, Invoice, Packing List, Tờ khai xuất thông quan

·         Định mức sản xuất, quy trình sản xuất

·         Đầu vào nguyên vật liệu (tờ khai nhập, hóa đơn mua nguyên vật liệu, bảng kê thu mua..)

3.2 Thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu cà phê hòa tan

Trước 2-3 ngày vận chuyển lô hàng cà phê hòa tan, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng cà phê hòa tan xuất khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật.

- Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu cà phê hòa tan gồm có:

·         Đơn đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu)

·         Danh sách đóng gói (Packing List)

·         Giấy ủy quyền ủy thác làm thủ tục kiểm dịch (nếu có)

·         Mẫu của lô hàng cà phê hòa tan xuất khẩu



- Quy trình kiểm dịch thực vật như sau:

Đăng ký kiểm dịch: Nhà xuất khẩu gửi bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật và khai báo trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Lấy mẫu: Chủ hàng cần đăng ký kiểm dịch ít nhất trước 1-2 ngày mang hàng ra cảng. Cơ quan kiểm dịch tiến hành lấy mẫu. Mẫu có thể kiểm dịch tại cảng hoặc tại nhà máy.

Khai báo thông tin: Khai báo các thông tin về lô hàng lên hệ thống để ra chứng thư nháp.

Bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư: Sau khi kiểm tra các thông tin trên chứng thư nháp, xác nhận hoặc sửa chữa với cơ quan kiểm dịch thì tiến hành bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư gốc.

Lưu ý: Lần đầu bên kiểm dịch thực vật có thể sẽ về tại cơ sở để kiểm tra hàng hóa hoặc sẽ kiểm tại cảng. Các lần sau doanh nghiệp có thể chuyển hàng lên chi cục kiểm dịch để kiểm tra hàng, tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp.

3.3 Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Luật An toàn Lao động số 55/2010/QH12 ngày 17/06/2010, hiệu lực ngày 01/07/2011, đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm:

·         Đơn đề nghị cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

·         Bản diễn giải về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc sản xuất cà phê hòa tan

·         Bản vẽ sơ đồ thiết kế khu vực sản xuất

·         Quy trình sản xuất của sản phẩm và quy trình bảo quản

·         Giấy chứng nhận đủ điều kiện lao động về sức khỏe của chủ cơ sở hoặc người chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm

·         Giấy chứng nhận đã được tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở hoặc người chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm

Thời gian sử dụng cho giấy phép này là 3 năm. Sau 3 năm, doanh nghiệp cần xin cấp lại với thủ tục và chứng từ tương tự

3.4 Kết quả kiểm nghiệm thành phần sản phẩm và Bản tự công bố

Về đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm và tự công bố, doanh nghiệp cần chuẩn bị mẫu và bản tự công bố, sau đó nộp cho các cơ quan được cấp phép bởi Bộ Y tế cho phép kiểm nghiệm sản phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm và giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm.

Các công ty được cấp phép như: Sắc ký Hải Đăng, Vinacontrol, Quatest 3,… thời gian test mẫu là 7 – 10 ngày, nếu đạt sẽ được cấp chứng thư kiểm nghiệm.

Sau đó sẽ nộp bản tự công bố của doanh nghiệp kèm chứng thư kiểm nghiệm cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm, sau 3 – 5 ngày là hoàn tất.

3.5 Giấy phép lưu hành tự do (Certificate of Free Sales) khi xuất khẩu cà phê hòa tan

Đối với thủ tục xin Giấy chứng nhận lưu hành tự do, sau khi có được các chứng từ như:

·         Giấy phép kinh doanh

·         Chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

·         Kết quả kiểm nghiệm

·         Bản tự công bố sản phẩm

Doanh nghiệp nộp toàn bộ chứng từ trên tại Bộ Công Thương, trong thời gian từ 5 – 7 ngày (tính từ ngày bộ hồ sơ hợp lệ), doanh nghiệp sẽ được nhận Giấy lưu hành tự do.

Nguồn: https://reallogistics.vn/thu-tuc-xuat-khau-ca-phe-hoa-tan