Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để xuất khẩu tại chỗ cho thương nhân nước ngoài thì sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13 hay E62?
Mã loại hình nhập khẩu E31 được quy định thế nào?
Theo STT 14 Mục II Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về mã loại hình nhập khẩu E31 như sau:
Mã loại hình E31: Nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu.
Sử dụng trong trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu từ các nguồn:
- Từ nước ngoài;
- Từ khu phi thuế quan, DNCX;
- Nhập tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.
Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để xuất khẩu tại chỗ cho thương nhân nước ngoài thì sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13 hay E62?
Theo STT 3 Mục I Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về mã loại hình xuất khẩu B13 như sau:
Mã loại hình B13: Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu
Sử dụng trong trường hợp:
- Xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, DNCX hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài;
- Hàng hóa thanh lý của doanh nghiệp chế xuất và máy móc, thiết bị được miễn thuế thanh lý theo hình thức bán ra nước ngoài hoặc bán vào DNCX;
- Xuất khẩu nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công, SXXK, chế xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, DNCX hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài
Theo STT 7 Mục I Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về mã loại hình xuất khẩu B13 như sau:
Mã loại hình E62: Xuất sản phẩm sản xuất xuất khẩu
Sử dụng trong trường hợp:
- Xuất sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu nhập khẩu ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan (bao gồm trường hợp xuất cho thương nhân nước ngoài và được chỉ định giao hàng tại Việt Nam)
- Xuất khẩu suất ăn cho tàu bay của hãng hàng không Việt Nam
Căn cứ trường hợp doanh nghiệp chế xuất (DNCX) nhập khẩu nguyên liệu (vải) có mã loại hình E31 (từ nhà cung cấp nước ngoài) để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc (hàng được miễn thuế nhập khẩu và GTGT). Nhưng sau đó, DNCX có khách hàng mới là thương nhân nước ngoài có kế hoạch muốn mua trực tiếp mặt hàng vải này (chưa qua quá trình gia công, chế biến) và yêu cầu giao cho một công ty khác ở Việt Nam (không nằm trong khu phi thuế quan, hay DNCX) dưới hình thức xuất khẩu tại chỗ.
Như vậy, trường hợp này doanh nghiệp chế xuất của bạn có thể sử dụng mã loại hình xuất khẩu B13.
Nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp chế xuất có phải khai tờ khai hải quan mới hay không?
Theo điểm b khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về việc khai hải quan của doanh nghiệp chế xuất như sau:
Khai hải quan
1. Nguyên tắc khai hải quan
...
b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác nhau thì phải khai trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau theo từng loại hình tương ứng;
...
Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định như sau:
Khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa
1. Nguyên tắc thực hiện
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;
b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới;
c) Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa;
d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
...
Theo khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định như sau:
Khai hải quan
…
5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Như vậy, trường hợp hàng hóa là nguyên liệu (vải) nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện khai tờ khai hải quan mới.