Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi
lượng cần thiết. Kẽm tham gia vào việc chuyển hóa glucid, protein và
acid nucleic.
Canh chua ngao vừa
thơm ngon vừa cung cấp nhiều kẽm cho cơ thể.
Thiếu kẽm đang là vấn đề phổ biến trong cộng
đồng. Trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên rất dễ bị thiếu kẽm do nhu cầu
tăng cao. Phụ nữ mang thai và người cao tuổi cũng hay thiếu kẽm. Thiếu kẽm ở
phụ nữ mang thai làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh.
Tầm quan trọng của kẽm trong cơ thể
Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần
thiết. Kẽm tham gia vào việc chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic.
Khi thiếu kẽm, tế bào sẽ chậm phân chia, ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng
trưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung kẽm giúp cải thiện chiều cao
đối với trẻ thấp lùn và tăng cân nhanh ở trẻ suy dinh dưỡng.
Chất kẽm giúp tăng hấp thu, tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào,
tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Kẽm giúp cơ thể
chống chọi với bệnh tật do thúc đẩy các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả
hơn, làm lành vết thương. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và
chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn,
tăng nguy cơ tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét...
Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của
hormon sinh dục nam testosterone. Bên cạnh đó kẽm sẽ giúp chúng ta ăn ngon
miệng hơn. Thiếu nó, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây
biếng ăn do rối loạn vị giác. Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng
thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, nó khiến bạn dễ nổi cáu. Nguyên nhân
là kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi lại đứng đầu trong danh sách các
chất giúp ổn định thần kinh.
Làm thế nào để cung cấp đủ chất kẽm?
Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động
vật như trai, ngao, sò, hàu; khá nhiều trong thịt nạc đỏ (heo, bò, cừu), sữa,
trứng, ngũ cốc thô, hạt bí ngô, hạt điều và các loại đậu (25-50mg/kg). Ngũ cốc
qua sơ chế, gạo xát trắng, thịt mỡ chứa lượng kẽm vừa phải (10-25mg/kg). Cá,
rau củ, rau lá xanh và trái cây cũng chứa kẽm nhưng ít.
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và
có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu.
Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm
trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng
đầu tiên là cao nhất (2-3mg/l), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm
mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4mg/ngày. Do đó,
người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
Ở tuổi dậy thì, do cơ thể tăng trưởng nhanh nên nhu cầu kẽm tăng
vọt, khoảng 0,5mg/ngày.
Đàn ông ở tuổi trưởng thành cũng là đối tượng rất cần
cung cấp kẽm, bởi lẽ kẽm rất quan trọng trong việc sản xuất tinh dịch. Tới
5mg kẽm bị mất đi trong quá trình xuất tinh. Thiếu hụt kẽm ở đàn ông có thể dẫn
tới giảm lượng tinh trùng và tần suất tình dục. Sự xuất tinh thường xuyên có
thể dẫn tới thiếu hụt kẽm. Mất đi một lượng nhỏ kẽm có thể làm đàn ông sụt cân,
giảm khả năng tình dục và có thể mắc bệnh vô sinh.
Tuy nhiên, không phải bạn ăn vào 1mg kẽm thì cả 1mg đó sẽ được
hấp thụ. Sự giảm bài tiết dịch vị ở dạ dày, thức ăn nhiều sắt vô cơ, phytate có
thể làm giảm hấp thu kẽm. Phytate có nhiều trong ngũ cốc thô, đậu nành và các
thực phẩm giàu chất xơ. Tuy nhiên, bạn đừng vội hạn chế thực phẩm giàu phytate
vì chúng rất cần cho sức khỏe. Hãy ăn đủ chất đạm từ động vật vì chúng sẽ hạn
chế nhược điểm trên của thức ăn giàu phytate. Ngoài ra, để tăng hấp thu kẽm,
hãy bổ sung vitamin C./.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế)
https://tuoitre.vn/de-khong-bi-thieu-kem-trong-che-do-an-hang-ngay-20171129105922155.htm